Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Biết lỗi và bỏ lỗi: Hãy sống tốt ngay bây giờ dù cho hôm qua bạn có thật xấu xa



Biết lỗi và bỏ lỗi: Hãy sống tốt ngay bây giờ dù cho hôm qua bạn có thật xấu xa

*Featured Image: Taj Chom

Đầu tiên xin nói với những người không biết lỗi, những người u mê và chấp nhận sống trong sai lầm, sợ hãi khi người khác nói về lỗi lầm của họ. Bạn à, trừ khi bị khuyết tật bẩm sinh, ai ai rồi cũng sẽ có lúc tỉnh ngộ, có lúc nhận ra lỗi lầm của mình. Vậy cho nên thời gian càng dài lâu, hậu quả càng lớn thì nỗi đau sẽ càng nặng nề hơn.  Mình hay nói với bạn mình: “Tôi thấy thương cho những người sống u mê, tôi mong họ tỉnh ngay hoặc cứ u mê cho đến hết đời, chứ để lâu dài mà tỉnh lại thì tội lắm.” Đó là mong muốn của tôi thế thôi, chứ chẳng ai u mê mãi được, nên tốt nhất là hãy đối diện với lỗi lầm và tỉnh ngộ ngay đi.

Làm người cần “Biết lỗi”

Biết lỗi là khả năng đối diện với những sai lầm, thiếu sót của bản thân mình, hiểu rõ những tác động và ảnh hưởng mà nó gây ra cho bản thân và những người xung quanh. Làm người cần phải biết lỗi, nhưng không phải để đau khổ, hối hận, dằn vặt hay mặc cảm, tự ti. Những thái độ tiêu cực đó sẽ dẫn đến nhiều lỗi lầm càng nghiêm trọng hơn.
Ví dụ như một người chạy xe gây tai nạn cho người khác thì chuyện đưa nạn nhân đến bệnh viện, bồi thường tiền thuốc men chưa phải là biết lỗi, đó chỉ là nghĩa vụ. Biết lỗi là hiểu được sự đau đớn và những thiệt hại có liên quan đến người kia xuất phát từ lỗi lầm của mình như sự suy giảm về sức khỏe, ảnh hưởng kinh tế (do nạn nhân phải nghỉ làm), ảnh hưởng đến thành viên trong gia đình nạn nhân, ảnh hưởng tâm lý… Hiểu được những điều đó để thông cảm và có thái độ đúng đắn, tích cực trong việc khắc phục sai lầm chứ không phải làm qua loa, lấy có hay bỏ một mớ tiền rồi vui vẻ ra đi. Biết lỗi còn là việc từ đó về sau chạy xe trên đường cẩn thận hơn để không gây tai nạn nữa.

Biết rồi thì “bỏ lỗi” đi

Nếu đã biết lỗi rồi, ta còn cần phải “bỏ lỗi” để sống tốt hơn. Bỏ lỗi không phải là phủ nhận hoàn toàn những sai lầm mình đã phạm hay cố tìm cách quên chúng đi, mà là vẫn ghi nhớ nhưng không xem đó là gánh nặng, là tập trung vào những điều tốt đẹp.
Ví dụ như có đứa học sinh lười biếng, mê chơi, trốn học chơi game, học hành sa sút, cha mẹ phát hiện rầy la. Học sinh này có thể biết lỗi, rằng cha mẹ làm lụng cực khổ kiếm tiền cho đi học mà trốn đi chơi, rằng chơi game ảnh hưởng đến thành tích học tập, rằng chơi game sau này không có việc làm… Nhưng tất cả chỉ có vậy!
Trong đầu nó chỉ có những suy nghĩ, hình ảnh về “lỗi lầm” mà nó phạm phải: Nó nhớ đến những lúc trốn học chơi game, dù là nhớ theo hướng biết lỗi, nhưng nếu chỉ như vậy thì nó làm gì với thời gian nhàn rỗi, làm gì với những tiết học trống, làm gì với sự chán chường khi lên lớp? Nó không có khái niệm nào về việc đó, và sự “biết lỗi” kia lại dẫn nó trở về con đường cũ: Nó tiếp tục chơi game vì không biết phải làm gì khác nữa.
Sau khi biết lỗi rồi cần phải bỏ nó đi, để sang một bên và nghĩ về những điều tốt đẹp ta có thể làm thay vì tiếp tục với lỗi lầm cũ. Trong trường hợp đứa bé nói trên, cha mẹ có thể hướng dẫn nó sắp xếp thời gian biểu học tập, chơi thể thao, trò chuyện cùng gia đình, xem tivi, đọc sách hay thậm chí là chơi game nếu thích. Điều quan trọng là tất cả những lịch trình đó, thời gian biểu đó phải được tuân thủ và thực hiện đúng, phải để đứa bé tự sắp xếp theo sự gợi ý của người lớn, làm những điều đúng theo cách nó thích nhất.
Hãy nghĩ về câu này:
“The greatest mistake you can make in life is to be continually fearing you will make one.” ― Elbert Hubbard
“Sai lầm lớn nhất trong cuộc đời mà bạn có thể phạm là luôn luôn lo lắng bạn sẽ phạm sai lầm.”

Bạn luôn có quyền sống tốt dù mọi người nghĩ bạn xấu xa

Thử tưởng tượng tình huống như vầy: Trong vòng 10 ngày, ngày thứ nhất bạn làm một điều gì đó thật ghê gớm, xấu xa, có 3 người biết, cả họ và bạn đều đồng ý rằng bạn là người xấu. Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 10, bạn chỉ làm việc tốt, 3 người kia sẽ vẫn cho bạn là người xấu, nhưng nếu bạn gặp thêm 27 người khác thì 27 người này lại cho rằng bạn là người tốt. Khổ nỗi là nếu họ gặp 3 người ở ngày thứ nhất và biết chuyện bạn đã làm ở ngày thứ nhất thì tất cả 30 người này đều sẽ nói bạn xấu xa, thậm chí 27 người phía sau còn thêm một câu là: “Tôi đã nhìn lầm anh/cô” nữa!
Đời là vậy, đó là phản ứng của “người đời”, nếu bạn cứ chạy theo suy nghĩ của họ thì chắc là lỡ phạm một sai lầm nào đó thì cả đời phải là người xấu mất! Đừng như vậy, kệ họ. Bạn luôn có quyền sống tốt, bạn phải biết rõ bản thân bạn tốt hay xấu và bạn muốn gì ở cuộc sống này, bạn muốn sống ra sao! Bỏ qua hết đi mấy cái khái niệm “trót nhúng chàm” hay “đâm lao phải theo lao”. Nếu lỡ “đâm lao” mà không rút lại được thì bỏ luôn cây lao đó đi, con người bạn mới là cái gốc, con người còn đó thì lúc nào bạn cũng có thể làm một cây lao khác!
Hãy biết lỗi, nhưng hãy bỏ nó đi, nếu mang theo nó như một hành trang rồi một ngày “không biết làm gì” bạn sẽ lại mang nó ra sử dụng! Nguy hại hơn là những “mặc cảm tội lỗi” nhiều khi không hướng người ta tới điều tốt đẹp mà lại hướng họ ra xa. Giống như có người bình thường hay nói tục, chửi thề, bỗng dưng một hôm thật sự muốn nói ra vài câu triết lý hay mấy tiếng lịch sự, lời cảm ơn nhưng lại “ngại miệng” và “không biết thiên hạ sẽ nghĩ sao”. Chẳng sao đâu bạn, đừng sống vì người khác kiểu đó, nếu thấy đúng thì cứ làm!
Chuyện của ngày hôm qua đã qua rồi, ngày hôm nay bạn là con người mới, hãy chọn cách sống của bạn!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét