Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Nơi yêu thương nhất

“Người ta thường nhìn cuộc sống của người khác rồi so đo. Thật ra mỗi người đều có hạnh phúc của riêng mình. Rồi sẽ có lúc khi ngoảnh lại, thì ra bạn cũng đang có người ngưỡng mộ. Chỉ là hạnh phúc của bản thân thường nằm trong đôi mắt của người khác“.


---
Mẹ tôi là con út trong một gia đình có 5 anh chị em, các bác tôi đều thoát li ra ngoài và có công ăn việc làm ổn định. Chỉ có mẹ là ở nhà.
Khi ấy ông ngoại muốn mẹ ra ngoài thành phố làm cùng các anh chị nhưng vì mẹ đã có tình cảm với bố nên nhất quyết không đi. Ông bà ngoại cũng không mặn mà gì với bố vì cho rằng mẹ sẽ khổ khi lấy một người không có công việc ổn định như vậy.
Bố cũng chỉ làm nghề tự do, quanh năm tháng lênh đênh trên sóng nước.
Dù ông bà có khuyên can như thế nào thì mẹ vẫn không thay đổi ý kiến. Và cuối cùng ông bà ngoại cũng đành ưng thuận. Vậy là bố mẹ tôi lên duyên vợ chồng.
Hai năm sau khi kết hôn mẹ sinh ra chị gái tôi, ba năm sau đó là sinh ra tôi và khi tôi lên ba tuổi thì có thằng út.
Ngần ấy năm trôi qua, kết quả tình yêu của bố mẹ là ba chị em tôi. Thấy bố cũng hiền lành, chịu thương chịu khó nên ông bà ngoại cũng dần thấy qúy và thương bố. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng bố mẹ vẫn yêu thương nhau. Như thế thôi cũng đủ để ông bà yên lòng về mẹ rồi.
Nhưng từ khi biết suy nghĩ tôi lại luôn có tự ti về nghề nghiệp của bố mẹ, nhất là những dịp lễ tết hay giỗ chạp bên nhà ngoại các bác đều về đông đủ, ai cũng thành đạt, ăn nói khéo, ăn mặc sang trọng lại có kinh tế...
Nhìn lại bố mẹ tôi lại thấy thương. Quanh năm vất vả bám đất để sinh sống, kiếm những đồng tiền khó nhọc để nuôi ba chị em tôi ăn học. Thế nhưng có đôi khi tôi vẫn ao ước bố mẹ cũng được như các bác.
Tôi học trên thành phố, do có các bác trên đó nên bố mẹ tôi đỡ được một khoảng thuê nhà và tiền ăn cho tôi mỗi tháng.




Ở nhà bác nên tôi lại càng thấy rõ sự khác biệt với bố mẹ. Một phần cũng là do kinh tế.
Những bữa tiệc sinh nhật mà bác tổ chức cho con, những món quà đắt tiền, những lời chúc yêu thương hay những cái ôm nhẹ nhàng...tất cả những thứ này chưa bao giờ bố mẹ làm cho chị em tôi.
Đôi lần bạn bè ngỏ ý muốn về nhà tôi chơi nhưng vì nhà tôi cũng chẳng khá giả gì nên tôi toàn lảng tránh. Nhà chúng nó đứa nào cũng khá giả, bố mẹ toàn làm công nhân viên chức. Tôi nghĩ về hoàn cảnh nhà mình thì lại ảo não thở dài.
Nhiều lúc mệt mỏi vì học hành tôi hay ra ngoài bờ hồ để hóng gió.
Chiếc ghế đá dưới gốc cây liễu tôi vẫn ngồi, hôm nay lại có một cô bé khoảng 10 tuổi nhìn khá xinh xắn. Cô bé đang vẽ vẽ cái gì đó, tôi cũng không để ý lắm, chỉ cho đến khi có cơn gió thổi qua làm bay bức tranh của cô bé dưới chân tôi. Tôi nhặt lên xem thì trong đó vẽ một cô bé bên cạnh là chữ “Bố, mẹ“. Tôi đưa bức tranh cho bé, vì tò mò nên tôi hỏi:
- Bé ơi, chị hỏi chút được không?
Cô bé nhận lại bức tranh từ tôi mà không buồn nhìn chỉ nói:
- Vâng!
Tôi nhún vai vẻ không hiểu:
- Sao bức tranh này em không vẽ bố mẹ mà lại chỉ có chữ “Bố mẹ“ thôi vậy?
- Cô giáo cho về nhà vẽ bức tranh về gia đình nhưng...
- Nhưng sao em?
Cô bé nhìn tôi đôi mắt rưng rưng nói:
- Em sống ở trại trẻ mồ côi từ nhỏ, em không biết mặt bố mẹ như thế nào...
Nói đến đây cô bé cúi mặt, có những giọt nước mắt làm nhòe bức tranh.
Tôi đã vô tình chạm vào nỗi đau của cô bé, tệ quá. Rồi chẳng biết vì lí do gì tôi lại ôm cô bé vào lòng, vuốt nhẹ mái tóc cô bé, tôi thì thầm:
- Nín đi em, chị xin lỗi
Lát sau bé cũng nín, nó đột nhiên hỏi tôi:
- Chị có bố mẹ không?
- Ừm
Rồi cô bé tiếp:
- Chị thật hạnh phúc. Em chỉ mơ ước được gặp bố mẹ em một lần thôi mà không được.
Nghe những lời này của cô bé làm tôi thấy mình thật tệ, bao lâu nay tôi đang nắm giữ hạnh phúc mà không hay biết.
Trời cũng dần về chiều, cô bé chào tôi ra về. Nhìn theo cái bóng cô bé cứ nhỏ dần trong dòng người trên phố mà tâm trạng tôi rối bời. Do bụi bay vào mắt hay có cái gì đó nhói đau ở lồng ngực mà làm tôi khóc, khóc như một đứa con nít. Khi đã dần bình tĩnh tôi vội bắt ngay chuyến xe cuối ngày để về quê. Tôi muốn chạy thật nhanh về với bố mẹ.




Về đến nhà cũng đã chập tối, nhìn xung quanh không thấy bố mẹ đâu tôi lo lắng, rồi thấy đống lúa ở sân tôi mới thở phào, chắc bố mẹ đang ở ngoài đồng. Chẳng kịp thay đồ, tôi cởi giày rồi cứ chân đất mà chạy ra ngoài ruộng. Đi ngang qua hàng tre rồi con đê dẫn đến ruộng nhà tôi. Ra đến nơi tôi thấy bố mẹ đang cúi để cắt lúa, tôi gọi to:
- Bố mẹ ơi!
Nghe thấy tiếng tôi gọi bố mẹ đều ngẩng lên, mẹ nói to:
- Sao con về tầm này, ở nhà ra đây làm gì?
Chẳng kịp trả lời mẹ, tôi lội ngay xuống ruộng. Gần tới chỗ bố mẹ đang đứng, tôi thấy bố mẹ mồ hôi ướt hết cả lưng, quần áo đầy bùn đất. Nhưng mặt vẫn tươi cười khi thấy tôi, tôi cũng cười nhưng lại rớt nướt mắt.
Đứng trước mặt tôi lúc này là hai người đã sinh ra và vất vả nuôi dưỡng tôi đến ngày hôm nay...họ chẳng làm công nhân hay kĩ sư gì cả mà họ chỉ là những người nông dân quanh năm chỉ biết đến đồng ruộng, tay cầy, tay quốc nhưng bố mẹ vẫn yêu thương tôi vô điều kiện, vất vả kiếm những đồng tiền mồ hôi nước mắt để cho tôi ăn học. Chẳng cần gì thêm nữa, tôi đã quá may mắn rồi.
Tôi thương bố mẹ và cũng ân hận vô cùng.
Tôi đứng như trời trồng. Lúc này bố mới lên tiếng:
- Ra đây không giúp bố mẹ chuyển lúa về mà còn đứng đó.
Xì, bố vẫn thế, chả tình cảm gì cả. Nhưng đó là bố tôi, tôi yêu cái cách mà bố thể hiện tình yêu với con.
Mặt trời đã lặn, tôi và bố mẹ trở về nhà. Lúc này tôi thầm cảm ơn cô bé ấy, tôi đã nhận ra rằng những thứ tôi đang có thật qúy giá biết chừng nào.
“Người ta thường nhìn cuộc sống của người khác rồi so đo. Thật ra mỗi người đều có hạnh phúc của riêng mình. Rồi sẽ có lúc khi ngoảnh lại, thì ra bạn cũng đang có người ngưỡng mộ. Chỉ là hạnh phúc của bản thân thường nằm trong đôi mắt của người khác“.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét